BST Hình ảnh áo dài xưa cổ điển đến nay qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam
Áo dài xưa nay luôn là niềm tự hào của toàn thể người dân Việt Nam. Dù ở bất cứ đâu, hay bất cứ buổi lễ, buổi tiệc trang trọng nào, chúng ta đều bắt gặp những tà áo dài truyền thống bởi nó hội tụ đầy đủ những yếu tố về sự dịu dàng mà không kém phần quyến rũ.
Áo dài Việt Nam từ xưa đến nay đã trải qua rất nhiều thời kỳ phát triển, mỗi thời kì đều có nét đặc trưng riêng. Hãy cùng Tân Mỹ tìm hiểu sơ lược lịch sử áo dài Việt Nam nhé.
1. Áo dài giao lãnh: áo dài cổ điển
Áo dài giao lãnh là kiểu dáng sơ nhất của tà áo dài hiện nay - đây là trang phục thường ngày của người phụ nữ Việt xưa. Với kiểu dáng may rộng, thân dài chấm gót và xẻ hai bên hông, cổ tay rộng. Đặc biệt thân áo được may bằng 4 tấm vải kêt hợp cùng thắt lưng và váy màu đen.
2. Áo dài tứ thân: áo dài cổ xưa
Áo dài tứ thân bắt đầu xuất hiện từ thế kỉ 17, theo các nhà nghiên cứu thì để tiện hơn trong việc lao động sản xuất của người phụ nữ, chiếc áo giao lãnh được may rời hai tà phía trước và hai tà sau được may liền lại (2 tà trước có thể buộc lại với nhau trước bụng).
Áo tứ thân thường được may màu tối (thường là màu nâu sòng) bởi mang ý nghĩa khiêm tốn tượng trưng cho các bậc sinh thành.
3. Áo dài ngũ thân
Theo sử sách, đến thời vua Gia Long, áo dài ngũ thân xuất hiện. Áo dài ngũ thân được cải tiến từ áo tứ thân, mặc với quần dài. Áo ngũ thân gồm 5 tà: 2 tà ở sau may liền khối, 2 tà ở trước và một tà ẩn dưới hai tà trước (tà áo ẩn này tượng trưng cho địa vị giai cấp quan lại quý tộc).
Kiểu áo này thường may có cổ và may theo fom rộng. Mẫu áo ngũ thân rất thịnh hành đến đầu thế kỉ 20.
4. Áo dài Lemur
Đến đầu thế kỷ 20 khi nền văn minh dần được Âu hóa, họa sỹ Cát Tường đã cho ra đời hình ảnh những chiếc áo dài cách tân mang tên Áo dài Lemur (năm 1939).
Phải nói rằng, áo dài Lemur có những đường nét cơ bản của áo dài truyền thống hiện nay. Với hai tà trước và sau, xẻ eo, nhấn eo để tôn dáng tôn ngực, tay phồng, cổ bồng hoặc hở thường được gắn nơ.
Với thành công của chiếc áo dài Lemur, họa sĩ Cát Tường đã được mời dể thực hiện một tủ áo dài riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu.
5. Áo dài Lê Phổ
Áo dài Lê Phổ được lấy tên từ họa sĩ Lê Phổ - người đã tiếp tục cải tiến chiếc áo dài Lemur khiến chiếc áo dài gần giống với áo dài truyền thống ngày nay. Áo dài Lê Phổ có cổ đứng, cài nút bên phải, tay không còn phồng, tuy nhiên phần nách dưới cánh tay vải bị trùng bị nhăn.
6. Áo dài Raglan
Mẫu áo dài này xuất hiện vào năm 1960 do nhà may Dung ở Đakao Sài Gòn sáng tạo ra. Chiếc áo dài này giải quyết được nhược điểm ở phần nách của áo dài Lê Phổ, điểm nổi bật nhất là áo dài Raglan may theo phom ôm khít cơ thể, hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây là mẫu áo dài góp phần định hình cho phong cách áo dài hiện nay.
7. Áo dài Trần Lệ Xuân
Phần cổ áo dài được bỏ đi, may thành dáng cổ thuyền, lúc đầu thiết kế này bị phản đối vì không hợp thuần phong mỹ tục nhưng sau lại rất được ưa chuộng vì sự tinh tế và thoải mái.